gaolut.com

Kiến thức gạo lứt chuyên sâu

gạo lứt đen - tím - nếp than

Gạo lứt huyết rồng (gạo lứt đỏ)

gạo lứt trắng (gạo lứt nâu)

gạo lứt giảm cân

trà gạo lứt

gạo lứt rang

sữa gạo lứt

gạo lứt sấy rong biển

bột gạo lứt

bánh gạo lứt

mì - miến - phở lứt

cháo gạo lứt

gạo lứt muối mè

dầu gạo lứt

bún gạo lứt

hủ tiếu gạo lứt

Gạo lứt Đen và Gạo Nếp Cẩm

Gạo lứt đen và nếp cẩm đều không phải là những cái tên xa lạ với chúng ta, nhưng chúng luôn được gọi tên bên cạnh nhau bởi vẻ bề ngoài rất giống nhau, thậm chí ngay cả khi bạn sờ vào cả hai loại gạo này thì cũng khó mà phân biệt được. Bài viết này sẽ giúp bạn có những cái nhìn đúng đắn hơn về hai loại gạo này và tất nhiên là giúp các bạn tìm ra đáp án cho câu hỏi “liệu gạo lứt đen và nếp cẩm là một loại hay không?”.

Trước khi đi vào công cuộc so sánh, hãy cùng điểm qua những khái niệm cần biết về từng loại gạo và đặc điểm mỗi loại. 

I. Định nghĩa gạo nếp cẩm và gạo lứt đen

1. Gạo nếp cẩm là gì?

Gạo nếp cẩm có tên riêng trong khoa học - Philydrum lanuginosum Bank, phổ biến ở Việt Nam với hai loại: gạo nếp cẩm đỏ và gạo nếp cẩm tím, màu sắc của hai loại nếp cẩm này sẽ giúp bạn phân biệt rõ hơn. Đúng như tên gọi của loại gạo này, chất gạo dẻo, thơm, dậy mùi đặc trưng khi nấu chín, đặc biệt độ bám dính giữa các hạt gạo rất cao. 

Gạo nếp cẩm là gì?

Trong gạo nếp cẩm có nhiều chất dinh dưỡng nếu so ra thì khá tương tự với gạo lứt đen, tuy nhiên hàm lượng của các chất này chắc chắn sẽ khác. Hàm lượng protein có chứa trong gạo nếp cẩm sẽ cao hơn các loại gạo khác khoảng 6.8%, chất béo cũng cao hơn 20%. Bên cạnh đó, gạo nếp cẩm cũng có chứa chất anthocyanin tương tự như gạo lứt đen và có đến tám loại acid amin có lợi cho cơ thể, hứa hẹn là một loại gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng không thua kém gì các loại gạo lứt. Một điểm cần lưu ý là lượng calories nếp cẩm cung cấp cho cơ thể cao hơn so với gạo lứt, 

Lưu ý rằng, màu đen bên ngoài của gạo lứt đen là đến từ lớp vỏ cám nhưng màu đen hay màu tím than của nếp cẩm là do đặc thù của giống gạo này, tức là nó sẽ được chế biến và xay xát sau khi thu hoạch như gạo trắng và bị loại bỏ cả lớp vỏ cám. Do đó khi ăn nếp cẩm, bạn sẽ thấy nó dẻo mềm hơn rất nhiều so với cảm giác khi ăn gạo lứt đen.

2. Gạo lứt đen là gì?

Gạo lứt đen là một trong ba loại gạo lứt (bên cạnh gạo lứt đỏ và gạo lứt trắng), cũng tức là một loại ngũ cốc nguyên hạt được nhiều chuyên gia dinh dưỡng đánh giá rất cao về thành phần chất dinh dưỡng. Cũng như “gia đình” gạo lứt, gạo lứt đen có chứa lớp vỏ cám giàu chất dinh dưỡng, với màu tím đen được “quy định” bởi chất anthocyanin, một hợp chất có khả năng chống oxy hóa vô cùng tốt, chất này được tìm thấy ở những thực vật có màu tím đậm, tím đen như bắp cải tím, việt quất,... 

Gạo lứt đen là gì?

Trong gạo lứt đen chứa nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe và cơ thể con người. Nếu gạo trắng cung cấp được phần lớn là tinh bột, thì gạo lứt tối ưu về mặt dưỡng chất hơn khi có thể cung cấp được đáng kể các chất khác với hàm lượng không kém gì tinh bột. Thành phần quan trọng của gạo nói chung chính là tinh bột, thực tế các loại gạo thông thường sẽ có một số chất tương tự nhau, điểm khác biệt nằm ở hàm lượng của mỗi chất. Chất xơ và protein là hai chất liền kề sau tinh bột khi xét về hàm lượng. Bên cạnh đó, từ lớp vỏ cám của gạo lứt đen còn có thể cung cấp được thêm một số khoáng chất như Sắt (riêng với gạo lứt đen thì hàm lượng chất Sắt cao hơn hai loại gạo lứt còn lại), Magie, Mangan,...

Nếu phân loại gạo lứt đen thì có hai loại gồm gạo lứt đen dẻo và gạo lứt đen nếp. Giữa hai loại gạo này rất khó phân biệt vì hình dáng và màu sắc không hề khác là bao, chỉ khi nấu chín lên và ăn để cảm nhận được hương vị. 

II. 6 Cách phân biệt gạo lứt đen và gạo nếp cẩm

1. Phân biệt dựa trên hình dáng của hạt gạo

Gạo lứt đen có hình dáng thon dài và nhỏ, tuy nhiên nếu là gạo lứt đen nếp thì hạt gạo sẽ có phần tròn và ngắn hơn gạo lứt đen tẻ. Trong khi đó, hạt gạo nếp cẩm có hình dáng tròn và ngắn - hình dáng đặc trưng của các loại nếp. Đôi khi sẽ rất khó để nhận biết được nếu loại gạo nếp cẩm hạt không quá tròn. Phần bụng hạt gạo phình tròn to hơn hai đầu còn lại của hạt gạo. Độ lớn của hạt gạo nếp cẩm được coi là khá lớn. 

2. Phân biệt dựa trên màu sắc

Như đã nêu ở phần phân loại thì gạo nếp cẩm được chia thành hai loại, với mỗi loại màu sắc của hạt gạo được phản ánh ngay cái tên của chúng. Riêng đối với gạo nếp cẩm đen, hạt gạo có màu vàng ở phần bụng. Gạo lứt đen sẽ thuần màu đen toàn bộ hạt gạo, nhưng nếu phân tích kĩ hơn về màu đen này thì nhìn ở cự ly gần bạn sẽ thấy nó là màu tím than chứ không phải đen tuyền. Khi nấu chín lên thì bạn sẽ thấy được rõ nhất về màu sắc của từng loại gạo. 

3. Phân biệt dựa trên nguồn gốc

Thực tế về nguồn gốc của mỗi loại gạo là thông tin mà ít người để tâm tới. Nhưng nó thực sự hữu ích khi bạn đi mua loại gạo mà mình cần để tránh sự nhầm lẫn không đáng có. Gạo lứt đen (hay còn được gọi là nếp than) được trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ưa thích khí hậu ấm áp và cần nhiều chất dinh dưỡng từ đất phù sa màu mỡ. Trong khi gạo nếp cẩm lại được gieo trồng và sinh trưởng ở khu vực Tây Bắc, trên các thửa ruộng bậc thang và phù hợp với khí hậu lạnh và khô - nổi tiếng với cụm từ “nếp cẩm Điện Biên”. Sự khác biệt vùng miền của nơi sinh trưởng của hai giống lúa này sẽ góp phần vào đặc tính của mỗi loại gạo. Trong khi gạo nếp cẩm có thuộc tính hàn, mát thì gạo lứt đen là thực phẩm tính nóng, ấm.

6 Cách phân biệt gạo lứt đen và gạo nếp cẩm

4. Phân biệt dựa vào mùi hương và hương vị

Nếu so sánh về kết cấu thì gạo nếp cẩm đạt được độ dẻo, dính và thơm ngọt hơn so với gạo nếp than. Mặc dù khi nấu chín lên thì chúng ta có thể nhận biết được dễ dàng thông qua màu sắc, nhưng mùi hương của từng loại gạo cũng là điểm khác biệt. Tuy nhiên nếu chỉ lướt qua thì bạn sẽ thấy mùi thơm của cả hai giống nhau nhưng hương thơm của nếp cẩm sẽ có cảm giác ngọt và nồng hơn. 

Gạo nếp cẩm khi nấu đúng với tỉ lệ nước thì gạo sẽ chín dẻo, hạt gạo như và dính dẻo vào nhau, cảm giác nhai sẽ không bị nham nhám như gạo lứt đen bởi nó đơn thuần là đã được loại bỏ lớp vỏ cám. Trái lại, gạo lứt đen kết cấu khi nhai sẽ khô và hơi nhám, hạt gạo dù là loại gạo lứt đen nếp thì độ dẻo và dính không thể bằng gạo nếp cẩm được. Tất nhiên, khi nhai bạn sẽ cảm giác nó hơi khó nhai hơn và vị ngọt tiết ra sẽ không đậm vị như nếp cẩm. Chính vì hương vị hợp với đa phần khẩu vị của nhiều người hơn nên nếp cẩm sẽ được dùng để kết hợp trong nhiều món ăn, như sữa chua nếp cẩm, cơm rượu nếp cẩm,...

5. Phân biệt dựa trên khả năng nảy mầm

Các tín đồ của thực phẩm healthy chắc hẳn các bạn là từng nghe đến mầm gạo lứt - loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng gấp đôi so với gạo lứt thông thường. Để chế biến và ủ gạo lứt thì điều kiện tiên quyết là chúng cần phải đảm bảo vẫn còn có lớp vỏ cám. Do đó, gạo nếp cẩm hoàn toàn không có khả năng ủ mầm vì nó đã bị tách bỏ. Mặc dù đây không phải là một yếu tố giúp bạn có thể phân biệt qua vẻ bề ngoài nhưng nó vẫn là những kiến thức cơ bản để nhận  biết và trả lời cho câu hỏi rằng gạo lứt đen và nếp cẩm có phải là một loại hay không.

6. Phân biệt thông qua cách nấu của từng loại gạo

Gạo nếp cẩm thuộc loại gạo cần ít nước để nấu, tương tự như các phương pháp đồ xôi thông thường, để xôi nếp cẩm chín dẻ, tơi hạt không bị nhão thì bạn nên ngâm trước tối thiểu ba mươi phút, nấu chín bằng hơi nước sẽ là cách tốt nhất để cho ra thành phẩm như ý. Ngược lại ,gạo lứt đen, hay còn gọi là nếp than (gạo lứt tím) thì cần được ngâm ở thời gian tối thiểu là 1 tiếng, còn có người cho rằng gạo lứt nên được ngâm đến khoảng 8 tiếng để các dưỡng chất bên trong gạo được khai thác và loại bỏ được các độc tố không có lợi cho cơ thể. Chưa kể đến  ,gạo lứt nên được nấu với nhiều nước, tốt nhất là theo tỉ lệ 1:1 (một nước với một gạo) để đúng chất lượng cơm gạo lứt dẻo thơm.

III. Những lợi ích mà cả gạo lứt đen và nếp cẩm đều có

Vì gạo lứt đen không phải nếp cẩm nên tất nhiên chúng sẽ có những công dụng riêng biệt đối với sức khỏe của chúng ta nhưng chúng đều thuộc nhóm ngũ cốc nguyên hạt nên vẫn sẽ có một số đặc điểm tương đồng

1. Giàu chất chống oxy hóa - bảo vệ sự lão hóa của các tế bào trong cơ thể

Sắc tím than có trong cả gạo lứt đen và nếp cẩm đều chứng tỏ cả hai loại gạo này đều chứa chất anthocyanin - một loại chất có khả năng chống oxy hóa cao, bảo vệ các tế bào trong cơ thể của chúng ta trước sự tấn công của các phân tử có hại (được gọi là gốc tự do thường gây hại, thúc đẩy quá trình lão hóa của tế bào nhanh hơn). Chính vì thế cả gạo nếp cẩm và gạo lứt đen khi hấp thu vào cơ thể đều giúp cơ tể tăng đề kháng, ngăn ngừa những nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm.

2. Giàu chất xơ có lợi cho tiêu hóa và tim mạch

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến cái tên Cholesterol - chất béo không tan và được nhiều người nhận dạng là một loại chất xấu cần hạn chế trong cơ thể, thậm chí được coi là “kẻ thù” của các bệnh nhân mắc tim mạch nguy hiểm như xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Thử tưởng tượng như Cholesterol chính là những cặn bám vào thành mạch máu khiến cho mạch máu của chúng ta bị hẹp dần thì Chất xơ không tan - có chứa trong gạo lứt đen sẽ góp phần ngăn ngừa và “dọn dẹp” bớt các cặn này trong quá trình tiêu hóa trước khi nó được hấp thụ vào máu.

Các bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, ngoài việc điều trị bằng các phương pháp y học, việc điều trị thông qua chế độ ăn uống để kiểm soát các nguy cơ khiến tình trạng bệnh trở nên tệ hơn vẫn luôn được các bác sĩ khuyên và gạo lứt đen hay còn gọi là nếp than sẽ được ưu ái gọi tên trong thực đơn của họ. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là chỉ những ai mắc bệnh tim mạch thì mới nên ăn gạo lứt, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” - việc sử dụng gạo lứt đem (gạo lứt tím) sẽ như là một phương thức giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn và ngăn ngừa những nguy cơ đến với các căn bệnh nguy hiểm. Chính nhờ màu tím của nếp than (tên gọi khác của gạo lứt đen) - anthocyanin không chỉ đơn thuần là một đặc điểm đặc biệt mà cũng là một trong những hoạt chất giảm nguy cơ mắc những căn bệnh về tim mạch.

Chất xơ như là “thần dược” đối với hệ tiêu hóa của con người bởi nó như một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm đi những tổn thương có thể gặp trong nội tạng đặc biệt là dạ dày hoặc đường ruột, đồng thời là khi chất xơ trong cơ thể bạn được cung cấp đủ thì tốc độ trao đổi chất của bạn sẽ rất hiệu quả. Điều này sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư đại tràng. Nếu bạn đang gặp một số vấn đề chẳng hạn như táo bón nhưng oái oăm lại không thể ăn rau thì có thể thử sử dụng gạo lứt đen hoặc gạo, gạo rất dẻo vừa dễ ăn lại cực có lợi.

Những lợi ích mà cả gạo lứt đen và nếp cẩm đều có

3. Hỗ trợ cho khung xương chắc khỏe

Trong gạo lứt đen và gạo nếp cẩm đều có chứa các khoáng chất , chẳng hạn Magie - một trong ba khoáng chất bên cạnh Canxi và Kẽm rất cần thiết cho việc tái tạo các tế bào của xương khớp. Đó cũng chính là lý do khi dùng gạo lứt đen hay nếp cẩm trong một thời gian dài thay cho gạo trắng thông thường, bạn sẽ thấy xương khớp chắc chắn, làm được những việc đòi hỏi sức bền hơn. Ngoài việc bổ sung trực tiếp bằng thực phẩm chức năng thì bạn cũng có thể bổ sung bằng hai loại gạo hằng ngày để sức khỏe xương tốt hơn.

Hệ xương trong cơ thể con người nắm giữ vị trí quan trọng, sức khỏe xương cốt tốt thì cơ thể chúng ta mới có thể khỏe mạnh và dồi dào năng lượng. Khi con người càng già đi thì xương khớp không còn chắc khỏe hay có khả năng tự chữa lành mạnh mẽ như lúc còn trẻ nữa. Nên việc chăm lo cho sức khỏe xương ngay từ khi còn rất trẻ rất đáng được chú ý, thay vì đợi xương cốt lão hóa mới chăm sóc thì chúng ta nên xây dựng nền tảng chắc khỏe ngay từ khi còn trẻ.

4. Giàu Vitamin cần thiết cho cơ thể

Cả hai loại gạo này - gạo lứt đen và nếp cẩm đều giàu vitamin, đặc biệt là các vitamin thuộc nhóm B, vitamin E (gạo nếp cẩm rất giàu vitamin E) nên sẽ giup cơ thể người ăn hai giống gạo này tăng thêm sức đề kháng. Vitamin là một trong những nhóm chất quan trọng trong quá trình trao đổi chất, góp phần bảo vệ tế bào khỏi sự nhiễm trùng (chống oxy hóa tế bào). Tinh thần của những người cung cấp đủ vitamin sẽ minh mẫn và sảng khoái hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ có một cơ thể rạng rỡ, tràn đầy sức sống theo cả cơ thể và tinh thần.

IV. Nhầm lẫn giữa gạo lứt đen và nếp cẩm có thực sự tai hại?

Có nhiều sự nhầm lẫn trong các loại thực phẩm chắc chắn sẽ rất có hại cho sức khỏe. Một ví dụ điển hình đó là sự nhầm lẫn giữa gạo lứt đỏ và gạo huyết rồng bởi vẻ bên ngoài vô cùng giống nhau. Vốn gạo lứt dù là loại nào đi chăng nữa thì chỉ số đường huyết khá thấp, phù hợp với những người cần kiểm soát lượng đường trong máu, trái lại gạo huyết rồng lại là ngũ cốc có chỉ số đường huyết cao nên rất dễ làm thay đổi lượng đường trong máu đột ngột và điều này là đại kị với những người cần kiểm soát nó. Do đó, việc nhầm lẫn này rất tai hại. 

Xét đến sự nhầm lẫn giữa gạo lứt đen và nếp cẩm cũng khá tương đương tuy nhiên hậu quả sẽ không “nặng nề” như ví dụ vừa nêu. Phần là vì nếp cẩm dù có chỉ số đường huyết cao hơn gạo lứt đen nhưng mức độ chênh lệch không quá cao. 

Hơn nữa, phân biệt gạo lứt đen và nếp cẩm dễ hơn phân biệt gạo lứt đỏ và gạo huyết rồng. Kế đến, trong khi gạo lứt đen là thực phẩm thuộc tính hàn, có công dụng thanh lọc cơ thể thì gạo nếp cẩm - cũng như các loại nếp khác thì có tính nóng. Nếu không phân biệt rõ hai loại gạo và đặc tính của chúng mà sử dụng thì rất dễ gây rối loạn khí huyết trong cơ thể. 

Do đó, tốt nhất ta vẫn nên phân biệt rõ được cụ thể từng loại trước khi sử dụng bên cạnh yếu tố liên quan đến sở thích, giá thành, sự tiện lợi,... Thực phẩm bổ dưỡng sẽ thực sự phát huy hết được tác dụng khi chúng ta hiểu rõ và sử dụng hợp lí.